Kinh nghiệm du lịch biển Hải Hòa, Thanh Hóa

Còn hàng

Là huyện ven biển phía Nam của xứ Thanh, Tĩnh Gia không chỉ được thiên nhiên ưu ái ban tặng cho một bờ biển thoải dài mênh mông cát trắng, nơi đây còn có những làng nghề truyền thống nổi tiếng, những di tích, lễ hội tâm linh vô cùng độc đáo… để du khách có thể thăm thú trong dịp hè này. Đến với Tĩnh Gia, du khách không thể bỏ qua vẻ đẹp hoang sơ, thơ mộng của biển Hải Hoà. Bãi biển cách Khu Kinh tế Nghi Sơn 15 km về phía Bắc, có diện tích trên 100...

Là huyện ven biển phía Nam của xứ Thanh, Tĩnh Gia không chỉ được thiên nhiên ưu ái ban tặng cho một bờ biển thoải dài mênh mông cát trắng, nơi đây còn có những làng nghề truyền thống nổi tiếng, những di tích, lễ hội tâm linh vô cùng độc đáo… để du khách có thể thăm thú trong dịp hè này.

Đến với Tĩnh Gia, du khách không thể bỏ qua vẻ đẹp hoang sơ, thơ mộng của biển Hải Hoà. Bãi biển cách Khu Kinh tế Nghi Sơn 15 km về phía Bắc, có diện tích trên 100 ha, nằm chủ yếu trên địa phận thôn Giang Sơn và thôn Đông Hải, xã Hải Hòa. Biển Hải Hòa hiện đang giữ được những nét hoang sơ và thơ mộng, với bãi biển ngập tràn cát trắng, thoai thoải bên rặng phi lao quanh năm xanh mướt. Bãi biển nhìn ra Biển Đông, phía xa là đảo Hòn Mê. Phía Nam bãi biển là núi Sổi và núi Chay. Bờ cát trắng chạy dài 20 km về hướng Bắc cho đến tận xã Hải Ninh, chỗ nào cũng có thể tắm được. Phía Tây của bãi biển là Quốc lộ 1A (km 366), cách 3 km. Bãi tắm ở Hải Hòa đẹp hơn ở Sầm Sơn, môi trường ở đây chưa bị ô nhiễm và người dân khá hiền lành chất phác.

Du lịch biển Hải Hòa vào thời gian nào?

Nằm giữa miền Trung nắng gió nên khoảng thời gian phù hợp nhất để đến với Hải Hòa chính là mùa hè. Vào khoảng thời gian từ tháng 5-8 hàng năm lúc này thời tiết rất nắng nóng, đi biển để nghỉ mát luôn là một trong những lựa chọn hàng đầu của mọi nhà. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng thời điểm này cũng trùng với mùa mưa bão của miền Bắc nên có thể xuất hiện áp thấp nhiệt đới và các cơn bão hình thành trên Biển Đông rồi di chuyển vào đất liền, những hiện tượng thời tiết này thường ảnh hưởng tới toàn bộ dải biển miền Trung nên các bạn hết sức chú ý theo dõi thời tiết trước chuyến đi.

Chơi gì khi đến Hải Hòa

Bãi biển Hải Hòa

Biển Hải Hòa còn khá hoang sơ

Bãi biển ở Hải Hòa có chiều dài từ 3-4km, bờ biển rộng từ 200-300m với nước biển khá trong, sạch sẽ cùng với độ dốc thoai thoải, bãi cát không bị lẫn tạp chất hay đá sỏi và tương đối bằng phẳng, trải dài nên du khách tha hồ hòa mình cùng biển. Điểm khác biệt tại đây so với Sầm Sơn là sóng biển không quá to nhưng cũng không quá êm, đủ để vỗ từng đợt tung bọt trắng xóa tạo sự thích thú khi tắm biển.

Công viên nước Water Fun Thanh Hóa

Water Fun Thanh Hóa nằm ngay trên bãi biển Hải Hòa

Đây là khu nhà phao vui chơi ở ngay trên bãi biển Hải Hòa, mới khai trương đầu tháng 6/2018 với diện tích lên tới 8000m2.

Bãi đá Rồng

Ảnh – reallloaht

Đây là bãi đá nằm ngay dưới chân núi Thủi, phía đầu của bãi tắm Hải Hòa. Các bạn có thể đi bộ ra đây để ngắm hoàng hôn trên biển, tha hồ thả dáng cùng những phiến đá để chụp ảnh. Gần đây cũng có một vài nhà hàng, quán ăn để có thể thưởng thức các món hải sản.

Bãi biển Hải Thanh

Bãi biển Hải Thanh

Biển Hải Thanh thuộc xã Hải Thanh, huyện Tĩnh Gia (cách biển Hải Hòa khoảng 6km) có chiều dài khoảng 4 km, trải dài từ mũi núi Thổi tới chân núi Du Xuyên. Đây là bãi biển nhỏ và sóng vừa với những làng chài yên bình. Ngoài khơi là Hòn Mê với hơn 10 đảo lớn nhỏ, tạo thành một quần thể của những danh lam thắng cảnh làm say lòng người.

Bãi biển Hải Thanh thích hợp với những du khách chuộng không gian tĩnh lặng và thoáng đãng. Vì chưa được khai thác nhiều nên nhìn chung nơi đây còn nguyên nét hoang sơ nhưng cũng không kém phần lạ lẫm. Tuy nhiên do dịch vụ ở đây hầu như không có nên khách du lịch thường chỉ ghé qua ăn uống nghỉ ngơi chứ không ở lại lưu trú qua đêm.

Đền Thờ Quang Trung

Đền Quang Trung nằm ven bờ biển làng Du Xuyên, xã Hải Thanh, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa. Đền Quang Trung là đền thờ vị anh hùng dân tộc Quang Trung – Nguyễn Huệ. Theo sử sách, sau khi quét sạch 29 vạn quân Thanh xâm lược nước ta. Cảm tạ ân đức của vua Quang Trung, dân làng đã lập đền thờ đức vua ở dưới chân núi Du Xuyên. Đền tuy không lớn nhưng rất linh thiêng, người dân đời đời nhớ công ơn vị anh hùng dân tộc Quang Trung – Nguyễn Huệ.

Làng nghề nước mắm truyền thống Do Xuyên – Ba Làng
Sản phẩm nước mắm của xã Hải Thanh đã nổi tiếng khắp miền Bắc với tên gọi nước mắm Do Xuyên. Do Xuyên – Ba Làng là tên ghép của 07 làng thuộc xã Hải Thanh, trong đó có 3 làng vùng giáo là Xuân Tiến, Quang Minh và Thượng Hải, gọi chung là Ba Làng; còn lại 4 làng vùng lương gọi chung là Do Xuyên.

Chùa Đót Tiên

Chùa Đót Tiên trên núi Non Tiên, gần cửa sông Lạch Bạng, được xây dựng nhiều lần (1755 và 1770). Đây vốn là căn cứ Biện Sơn. Chùa còn giữ được nhiều bia hiệu các thời Minh Mệnh, Tự Đức, Khải Định. Chùa có thờ tượng Liễu Hạnh Công chúa (vua Lê Cảnh Hưng).

Đền Lạch Bạng

Đền Lạch Bạng nằm ngay gần chùa Đót Tiên

Khu đền Lạch Bạng nằm trên một mỏm núi, ngay cửa sông Lạch Bạng, hướng ra biển. Khu đền thờ các vị thần như Sát Hải Đại Vương, Tứ vị Thánh nương, Tô Hiến Thành, Hoàng Minh Tự, đền vẫn còn lưu giữ được nhiều hiện vật quý giá như: chuông đồng đúc vào năm Tự Đức thứ 3 (1850), 32 đạo sắc của các triều vua phong kiến Việt Nam từ giữa thế kỷ 18 đến đầu thế kỷ 20 phong cho các vị nhân thần… Hàng năm vào dịp mùa xuân người dân trong vùng tổ chức lễ hội cầu ngư và bơi chải trước cửa khu đền để làm vui lòng thần và cầu mong các vị thần linh phù hộ cho ngư dân “đi khơi gặp đống, đi lộng gặp tía”, xuôi chèo mát mái, cập bến an toàn, cuộc sống no ấm, đủ đầy.

Khu du lịch Đảo Nghi Sơn

Xã đảo Nghi Sơn

Nghi Sơn là xã đảo nằm trên đảo Biện Sơn hay còn gọi là hòn Biện, đảo Biện, cù lao Biện. Từ trên cao nhìn xuống, hòn đảo này như một cánh tay khổng lồ chìa ra biển, ôm trọn trong lòng nó một vụng nước trong xanh như bích ngọc. Nơi đây có bề dày lịch sử hàng nghìn năm trầm tích lắng đọng, cảnh quan thiên nhiên “Sơn thủy hữu tình” với một quần thể di tích văn hóa và tâm linh, hội tụ đủ tiềm năng để phát triển du lịch.

Bãi Đông (Nghi Sơn)

Bãi Đông là bãi biển thuộc bán đảo Nghi Sơn, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa. Không ồn ào tấp nập, không xô bồ như những bãi tắm nổi tiếng khác, một bãi biển yên bình, nhẹ nhàng khiến ai đến đây cũng cảm giác mình đang được thư giãn, nghỉ ngơi thực sự.

Pháo đài Tĩnh Hải

Quốc sử quán triều Nguyễn cho biết: từ đầu đời Gia Long, triều Nguyễn đã cho xây bảo Biện Sơn tại cửa Bạng “chu vi 58 trượng, 8 thước, 8 tấc; cao 8 thước 2 tấc, có một kỳ đài, một nhà quân, 12 khẩu đại bác, 1 kho thuốc súng”. Đến đời Minh Mạng (năm thứ 9) cho xây “pháo đài Tĩnh Hải ở tấn Biện Sơn, chu vi 11 trượng 8 thước; cao 5 thước, 5 tấc; có một kỳ đài, một nhà quân và 4 khẩu đại bác” (Đại Nam nhất thống chí). Dấu tích của các công trình quân sự này (bảo Biện Sơn và pháo đài Tĩnh Hải) đến nay vẫn còn.

Hòn Mê

Quần đảo Hòn Mê cách đất liền 11km, thuộc huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa. Vùng biển đảo này có khí hậu nhiệt đới gió mùa, chịu ảnh hưởng của 2 mùa gió trong năm là gió mùa đông bắc và đông nam. Quanh khu vực biển Hòn Mê có tiềm năng đa dạng hệ sinh thái biển, là nơi quần cư của nhiều loài sinh vật biển.

Vùng biển đảo Hòn Mê của tỉnh Thanh Hóa là một trong 16 khu được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong quy hoạch hệ thống khu bảo tồn biển Việt Nam đến năm 2020. Khu bảo tồn biển Hòn Mê có tổng diện tích được quy hoạch 6.737 ha, trong đó diện tích mặt biển 6.200 ha, cùng diện tích Hòn Mê và 17 hòn đảo xung quanh là 537 ha.

Hiện Hòn Mê là quần đảo chỉ để phát triển quốc phòng – an ninh, chưa có dân cư sinh sống, vì vậy đảo còn giữ nguyên vẻ đẹp hoang sơ, cùng với nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào, phong phú. Hy vọng trong tương lai, Hòn Mê sẽ được đầu tư để xây dựng và phát triển du lịch.

Ăn gì ở Hải Hòa

Đến biển thì thưởng thức hải sản thôi

Nếu có ai hỏi nên ăn gì ở biển Hải Hòa thì không biết phải trả lời ra sao cho đủ. Bởi có rất nhiều món ăn nức tiếng tại đây như: Mực xào cần tây hoặc tẩm bột rán, cá chim sốt chua ngọt, tôm rang muối hoặc chao dầu, cua hấp cay hay cua bóc thịt nấu canh miến, canh cá hồng nấu chua, cá trích nướng than xoan…Đặc biệt, chỉ có biển Hải Hòa mới có món đặc sản gỏi sứa chấm nước sốt nóng, nộm sứa với lá sung và bánh đa. Ngoài ra, bạn có thể mua hải sản tươi sống ngay tại chợ cá sớm mai khi thuyền chai vừa cập bến. Khác hẳn với những chợ hải sản đông đúc, ồn ào tại những vùng biển khác, dân dài ở đây cực kỳ gần gũi, thân thiện. Nói đúng hơn con người ở đây mộc mạc và bình dị tựa như chính cảnh vật vậy. Thế nên, mọi giao dịch mua bán hải sản đều rất vui vẻ, nhẹ nhàng. Chỉ với vài trăm nghìn cộng với 40.000 – 50.000 đồng tiền thuê nấu là các bạn có thể ăn bữa ghẹ tươi ngon hay cá thu nướng tại chỗ, ngay trên bãi biển.

Nghỉ mát ở Hải Hòa du khách có thể mua về làm quà: nước mắm cốt, mực khô, cá khô, cá thu nướng cháy.

    094 251 2299